THỰC TRẠNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI Ở CÁC KHU DU LỊCH VEN BIỂN
Với rất nhiều ưu đãi từ thiên nhiên như: khí hậu ôn hòa, tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm biển, núi, rừng ngập mặn, rừng nguyên sinh, suối nước nóng, hải đảo…Tỉnh BR-VT là địa phương có thế mạnh thiên phú về du lịch, với các loại hình du lịch như: du lịch leo núi, tắm biển, nghỉ dưỡng…Thế nhưng, lâu nay việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên lại chưa được chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.
Một thực tế trong phát triển du lịch ven biển ở tỉnh BR-VT trong thời gian qua là phát triển tự phát, manh mún, chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng thiên phú theo hướng lấy đi những cái đã có, không chú ý đến việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo, nhất là giữ gìn, bảo đảm an toàn môi trường sinh thái.
Các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển “ăn sổi”
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch tỉnh, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 38 cơ sở kinh doanh du lịch ven biển thuộc dạng có qui mô đầu tư lớn hoạt động từ nhiều năm qua. Chưa kể hàng ngàn cơ sở tư nhân nằm ngay ven biển hoặc bên trong kế ven bờ biển; hàng trăm xe bán hàng rong, nhất là các hàng quán bán hải sản nướng vào ban đêm ngay dưới các bãi tắm…Các cơ sở kinh doanh du lịch đã được xây dựng cách đây từ 10 đến hơn 30 năm và hầu như không quan tâm đến việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Chỉ những cơ sở xây dựng từ những năm 1997-1998 trở về sau này mới chú trọng đầu tư xử lý nước thải. Vì thế, trong số 38 cơ sở du lịch ven biển, đến nay mới có 21 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải, song chủ yếu là xử lý nước thải tắm giặt, chứ chưa chú trọng đến xử lý loại nước thải dầu mỡ. Riêng trên địa bàn TP.Vũng Tàu, chỉ tính 3 km Bãi sau, có 10 DN kinh doanh dịch vụ du lịch qui mô lớn với hàng trăm nhà hàng, khách sạn. Trong số này, chỉ có 2 cơ sở chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tại địa bàn huyện Côn Đảo, hiện nay, tại khu vực ven biển Trung tâm huyện có 4 khu du lịch hoạt động, trongđó 1 khu chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về môi trường, chưa lập đề án bảo vệ môi trường. 3 khu còn lại đã xây dựng công trình thu gom xử lý nước thải.
Xử lý nước thải “có cũng như không”
Phương thức xử lý nước thải tại các cơ sở có hệ thống xử lý là xử lý bằng bể lắng lọc, tự hoại và thấm tại chỗ nên gần như các tiêu chí đều không đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Mặc dù mỗi năm các DN đều đầu tư nâng cấp nhưng mức độ cải thiện chất lượng xử lý nước thải cũng không đáng kể.
Khu Anoasit resort, tại Long Hải là một trong những địa chỉ du lịch lớn đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh và được đánh giá là có ý thức bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư chú trọng đầu tư cho khâu xử lý nước thải, thế nhưng đến nay vẫn không thoát khỏi tình trạng nước thải không đủ tiêu chuẩn xả thải và thường bị xử phạt mỗi khi ngành chức năng kiểm tra. Chị Nguyễn Thị Mỹ Trà, trợ lý Tổng Giám đốc công ty CP du lịch Thùy Vân cho biết “Cách đây 2 năm, công ty cũng nâng cấp bể phốt và hệ thống xử lý nước thải với kinh phí khá lớn, nhưng khi ngành chức năng kiểm tra, nước thải cũng vẫn không đủ tiêu chuẩn xả thải”...
TP.Vũng Tàu, chỉ với 2/10 cơ sở có hệ thống xử lý và chất lượng nước thải sau xử lý cũng không khả quan, giống như khu du lịch Long Hải Anoasist. Chất thải, nước thải chưa qua xử lý của hàng ngàn hộ gia đình ven biển tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng; Hàng trăm hàng quán bán rong các loại hải sản dưới bãi biển vào ban đêm…cũng xả trực tiếp ra môi trường với một khối lượng khổng lồ. Ông Trần Tuấn Việt, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng phải thừa nhận: “Tính ra, 2 đơn vị làm hệ thống xử lý nước thải thì chỉ có ý nghĩa tinh thần chưa có ý nghĩa thực tế vì 2 DN làm tốt mà 8 DN không tốt thì không có ý nghĩa gì”.
Đây cũng là tình trạng của các khu du lịch ven biển Côn Đảo. Theo Phòng TNMT huyện Côn Đảo, hiện nay, mặc dù có 3 khu đã có hệ thống xử lý nhưng chất lượng nước thải sau xử lý cũng không đạt tiêu chuẩn để xả thải ra môi trường. Chưa kể cả 4 khu du lịch ven biển ở khu trung tâm thường xuyên vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường như: chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về môi trường, chưa lập đề án bảo vệ môi trường; thực hiện không đầy đủ chương trình giám sát môi trường theo nội dung cam kết đã được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận. Thậm chí, có cơ sở còn xả thải ra bãi biển gây ô nhiễm môi trường.
Nguy cơ xóa sổ các bãi tắm
Theo các nhà chuyên môn, chất thải từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển như: rác thải, chất thải sinh hoạt, nhất là chất thải có dầu mỡ từ nấu nướng, chế biến thức ăn...tiềm ẩn mối nguy hủy hoại môi trường rất lớn. Trong khi, như đã nêu, trong 38 cơ sở du lịch ven biển đang hoạt động ở tỉnh thì mới chỉ có 8 cơ sở tái sử dụng nước thải tưới cây, còn lại đều đưa vào hệ thống thoát nước chung thải ra biển, sông hồ. Chất lượng nước thải của những cơ sở đã qua xử lý cũng đều không đạt chuẩn. Như vậy, hàng năm, một lượng nước thải khổng lồ không đạt tiêu chuẩn môi trường đã và vẫn đang thải thẳng ra biển đi qua các bãi tắm. Tình trạng này nếu không được cải thiện nhanh sẽ hủy hoại môi trường biển, ven biển và làm hỏng các bãi tắm…
Ông Trần Tuấn Việt, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích thêm: “Nước thải không qua xử lý thẩm thấu ra bãi cát, làm hư dần dần bãi cát, không tái tạo được. Du khách nằm xuống cát sẽ ngứa, như vậy thì không đạt tiêu chuẩn 1 bãi tắm.” Và khi đã không còn bãi tắm thì du lịch cũng sẽ bị xóa sổ. Đặc biệt là đối với thành phố Vũng Tàu, một thành phố biển thơ mộng, đẹp có tiếng trong cả nước, hiện đã được công nhận là đô thị loại I và Côn Đảo, một địa điểm du lịch sinh thái biển rừng đã được Tạp chí du lịch Lonely Planet, (Anh) đưa vào danh sách 1 trong 10 hòn đảo huyền bí, hấp dẫn và tốt nhất thế giới…Rõ ràng, nguy cơ rất lớn cho ngành du lịch của tỉnh đang rình rập từ chính kiểu kinh doanh ăn sổi của các cơ sở như đã nói trên.
Theo đánh giá, của các nhà chuyên môn, không phải quốc gia nào cũng có biển và có biển thì cũng không phải nơi nào cũng có những bãi tắm đẹp. Với BR-VT toàn bộ dải bờ biển từ Vũng Tàu đến Long Hải, Xuyên Mộc đều có những bãi tắm tuyệt đẹp. Chính vì thế đã có hàng trăm cơ sở kinh doanh du lịch, đặc biệt là các resort ven biển mọc lên dọc dải bờ biển trong những năm gần đây. Trong đó, có những khu resort nổi tiếng như:Annoa; Hồ Tràm Osaca; Hồ Cốc… đặc biệt là dự án du lịch Hồ Tràm Strip của Công ty Asian Coast Development Limited (ACDL - Canada) với mức đầu tư tới trên 4,2 tỷ USD.