SÔNG MÊ KÔNG VÀ VẤN ĐỀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Theo ông Braga - Chủ tịch Hội đồng Nước Thế giới tại hội nghị về nguồn nước sông Mê Kông diễn ra tại TPHCM sáng ngày 2-4, chất lượng nước trên dòng chính Mê Kông hiện nay chưa bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên nguồn nước ở hệ thống những sông nhánh ven lưu vực đổ trực tiếp vào sông Mê Kông đã bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính là do tốc độ phát triển quá nhanh của các khu đô thị xung quanh lưu vực các con sông nhánh trong những năm gần đây mà chưa có một biện pháp tối ưu nào cho việc xử lý lượng nước thải khổng lồ này.
Cũng dễ dàng thấy được Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là những quốc gia đang chịu tác động trực tiếp từ sự thay đổi chất lượng nguồn nước của sông Mê Kông hiện nay. Do ở cuối của hạ lưu sông Mê Kông nên Việt Nam có lẽ là quốc gia hứng chịu toàn bộ hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước.
“Chất lượng nước các nhánh sông nhỏ đổ ra dòng chính Mê Kông đang ngày càng xấu đi. Các quốc gia trong lưu vực phải sớm có giải pháp đối với hệ thống xử lý nước thải của những đô thị nằm ở lưu vực sông. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này, sức khỏe cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng xấu", ông Braga nói.
Ngoài nước thải đô thị thì việc xây dựng đập thủy điện và tình trạng lũ lụt cũng đang là những tác nhân ảnh hưởng đến dòng chính Mê Kông hiện nay. Theo ông Braga, các nước thuộc Ủy ban sông Mê Kông nên ngồi lại để cùng thảo luận đi đến thống nhất cơ chế vận hành của hệ thống hồ chứa ở thượng nguồn cũng như phương pháp quản lý và xử lý nước thải trên lưu vực sao cho đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, áp lực dân số ngày càng tăng, đi kèm với nhu cầu phát triển kinh tế, các dự án thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh Mê Kông phát triển rất mạnh, bên cạnh đó nhu cầu lấy nước tưới cho cây trồng và hoa màu, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy … đang ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái dòng sông.
Sông Mê Kông với tổng diện tích lưu vực là 795.000 km2 bắt nguồn từ phía đông cao nguyên Tây Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và là nơi sinh sống của hơn 20.000 loài thực vật và hơn 850 loài cá.
Sông Mê Kông
Trong 20 năm qua, hơn 3.235 MW công suất thủy điện đã được lắp đặt trên các hệ thống sông nhánh của lưu vực sông. Các chuyên gia về năng lượng đánh giá tiềm năng về thủy điện của sông Mê Kông khoảng 30.000 MW, như vậy hiện nay công suất khai thác mới chỉ 10% và sẽ còn tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.
Dự kiến vào ngày 5-4 tới, Hội nghị cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ diễn ra tại TPHCM với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mê Kông” với sự tham dự của 4 nước thành viên gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và hai đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar. Dự kiến hội nghị này sẽ thông qua tuyên bố chung: Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn tham khảo: thesaigontimes.vn